Lá cờ Hinomaru – Quốc kỳ của Nhật Bản
Quốc kỳ Nhật Bản có thiết kế khá đơn giản (một số người thậm chí còn coi đây là mẫu quốc kỳ đơn giản nhất thế giới), nhưng đây chính là biểu tượng thể hiện rõ nét nhất tinh thần của nước Nhật. Với vòng tròn màu đỏ trên nền trắng, tuy đơn giản nhưng cũng đủ để khiến cả thế giới nhận ra đây là lá cờ của Nhật Bản, là hình ảnh đại diện cho nước Nhật và con người Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, lá quốc kỳ kiểu này được gọi là “Nisshoki” (日章旗), có nghĩa là “lá cờ mặt trời” nhưng nhiều người thường gọi là “Hinomaru” (日の丸) nghĩa là “vòng tròn mặt trời”. Cả hai tên gọi này đều dựa trên cái tên “Vùng đất mặt trời mọc” vốn đã gắn liền với nước Nhật trong suốt hơn 1200 năm qua.
Lịch sử của lá quốc kỳ Nhật Bản
Thứ gì nằm trên khung nền trắng trên lá quốc kỳ của Nhật Bản?
Vòng tròn màu đỏ nằm trên nền trắng trên quốc kỳ Nhật Bản chính là biểu tượng cho vầng mặt trời. Thiết kế này bắt nguồn từ yếu tố tôn giáo và văn hóa lâu đời của Nhật Bản.
Mặt trời có vị trí quan trọng trong văn hóa Nhật Bản và trong đạo Shinto – tôn giáo đa thần của người Nhật, mặt trời cũng mang ý nghĩa biểu tượng vô cùng thiêng liêng. Trong hàng nghìn vị thần được thờ phụng trong tôn giáo này, vị thần mặt trời Amaterasu là vị thần tối cao hơn cả. Đây vừa là vị thần chính trong thần đạo Shinto và vừa được coi là tổ tiên của dòng dõi hoàng gia Nhật Bản. Với việc tôn thờ mặt trời và tương quan về vị trí địa lý giữa Nhật Bản và Trung Quốc (nhìn từ phía Trung Quốc, thì mặt trời sẽ mọc lên ở phía quần đảo Nhật Bản), cái tên “xứ sở mặt trời mọc” đã trở thành biệt danh của quốc gia này và đây cũng là lý do tại sao hình ảnh mặt trời lại xuất hiện trên quốc kỳ của Nhật Bản.
Thiết kế “mặt trời đỏ trên nền trắng” vốn đã có từ lâu nhưng không phải lúc nào được sử dụng qua các thời kỳ và hình ảnh này không phải lúc nào cũng đại diện cho toàn nước Nhật. Lối suy nghĩ nước Nhật là nơi “mặt trời mọc” đã được hình thành từ thế kỷ thứ 7 khi Thiên hoàng Nhật Bản tự xưng là “Hoàng đế của vùng đất mặt trời mọc” trong các công văn trao đổi với triều đình Trung Quốc.
Các tài liệu đầu tiên được thu thập từ cuối thế kỷ thứ 8 cho thấy, người Nhật đã treo cờ “Nissho” – lá cờ có biểu tượng mặt trời vàng, vào những ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, hình dạng lá cờ ra sao thì không được đề cập đến. Lá quốc kỳ hiện tại với hai màu đỏ và trắng được cho là xuất hiện sau chiến tranh Genpei vào khoảng thế kỷ 12.
Biểu tượng của cả hai bộ tộc trong cuộc chiến (tộc Taira và tộc Genji) đều có biểu tượng mặt trời hình tròn nhưng lại có màu sắc khác nhau. Lá cờ của tộc Taira có hình mặt trời màu vàng trên nền màu đỏ, còn lá cờ của tộc Genji là hình mặt trời màu đỏ trên nền trắng. Vì nhà Genji là bên giành phần thắng và đã giành quyền thống trị nước Nhật nên người ta tin rằng màu cờ của tộc Genji đã được lưu truyền và được sử dụng làm lá cờ của chính quyền phong kiến thời bấy giờ.
Lá cờ cổ nhất còn sót lại hiện nay đang được cất giữ tại ngôi chùa Unpo-ji ở tỉnh Yamanashi. Mặc dù vẫn có những nghi ngờ về việc liệu lá cờ này chính là món quà được Hoàng đế Go-Reizei trao tặng cho ngôi chùa vào thế kỷ 11 hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng lá cờ này đã xuất hiện từ trước thế kỷ 16 và có niên đại ít nhất là 400 – 500 năm.
Lá cờ Hinomaru chính thức trở thành quốc kỳ Nhật Bản
Phải tới tận cuối thế kỷ 19 thì Nhật mới chọn Hinomaru là quốc kỳ chính thức. Vào những năm giữa thế kỷ 19, khi bắt đầu mở cửa giao thương nhiều hơn với Châu Âu, Nhật Bản nhận thấy cần phải có cách để phân biệt tàu của mình với tàu ngoại quốc. Vào năm 1854, triều đình Mạc Phủ Tokugawa ra lệnh mọi con tàu của Nhật phải treo cờ Hinomaru để phân biệt với tàu ngoại quốc. Tới năm 1870, lá cờ Hinomaru đã trở thành lá cờ chính thức trên các con tàu buôn giao thương bên trong và ngoài lãnh thổ Nhật Bản.
Từ năm 1870 tới năm 1885, lá cờ Hinomaru được công nhận là lá cờ chính thức của Nhật Bản. Thời kỳ này chỉ kéo dài có 15 năm do hệ thống pháp luật của Nhật Bản có những thay đổi vào năm 1885 và tất cả các luật lệ được ban hành trước thời điểm đó mà không có trong “Công báo Nhật Bản”, bao gồm cả điều luật coi Hinomaru là lá quốc kỳ, đều bị hủy bỏ.
Điều này khiến lá cờ Hinomaru trở thành quốc kỳ không chính thức (vì không được pháp luật thừa nhận). Phải tới tận hơn 100 năm sau, vào năm 1999, chính phủ mới thông qua “Luật về quốc kỳ và quốc ca” và chính thức coi Hinomaru trở thành quốc kỳ của Nhật Bản một lần nữa.
Các biến thể của quốc kỳ Nhật Bản
Thiết kế hình tròn đỏ trên nền trắng không phải là mẫu cờ duy nhất của Nhật Bản. Trong lịch sử và cả ở thời điểm hiện tại, còn có nhiều mẫu cờ phổ biến và gây tranh cãi khác. Cả hai nhánh của quân đội – lực lượng bộ đội và hải quân đều sử dụng “Lá cờ mặt trời mọc”, với hình ảnh mặt trời đỏ có thêm 16 tia sáng đỏ kéo dài từ giữa tới các mép của lá cờ.
Lá cờ Quân đội Hoàng gia Nhật Bản (hình phía trên) được sử dụng từ năm 1868 cho tới tận lúc kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, có hình mặt trời nằm ở chính giữa lá cờ.
Hải quân Hoàng gia Nhật Bản sử dụng lá cờ với hình mặt trời nằm lệch về bên trái từ năm 1889 cho tới tận thời điểm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, cả hai nhánh của quân đội Nhật tiếp tục sử dụng các lá cờ này và chỉ có một chút thay đổi nhỏ.
Lá cờ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Nhật Bản (là các lực lượng tự vệ duy nhất tại Nhật Bản lúc này) giảm số tia sáng mặt trời từ 16 xuống còn 8, sửa lá cờ từ hình chữ nhật thành hình vuông và thêm viền màu vàng ở mép lá cờ.
Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản mới thành lập thì chỉ đơn giản là gần như giữ nguyên lá cờ của Thủy quân Hoàng gia Nhật Bản, chỉ thay đổi màu đỏ trên cờ thành đỏ tươi hơn một chút.
Lá cờ này có phổ biến ở Nhật Bản ngày nay hay không?
Trái ngược với sự hiện diện khắp nơi ở nước ngoài, lá cờ Hinomaru hiện tại không xuất hiện nhiều trên lãnh thổ Nhật Bản, nếu có thì thường chỉ xuất hiện tại các tòa nhà của chính phủ và nhà nước. Bạn có thể nhìn thấy lá cờ này xuất hiện tại các tòa thị chính, các trường trung học công lập, ngân hàng và các địa điểm công cộng. Điều này là do mối liên quan của nó tới thế chiến thứ hai và chủ nghĩa dân tộc cực đoan với sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới ý thức hệ của nhà nước Nhật Bản trong cuộc chiến.
Những người treo lá cờ này tại các địa điểm riêng của mình thường là những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan hoặc những người có niềm tin vào chủ nghĩa quốc gia. Đó chính là lý do vì sao mà tới tận năm 1999 thì chính phủ Nhật mới chính thức thông qua luật chọn Hinomaru là quốc kỳ chính thức của Nhật Bản. Vào thời điểm đó, việc thông qua đạo luật này cũng vấp phải rất nhiều tranh cãi. Đối với hầu hết người dân Nhật Bản, lá cờ sẽ chỉ xuất hiện tại các cơ quan của nhà nước hoặc là biểu tượng của phong trào dân tộc cực đoan.
Những lá cờ tương tự như quốc kỳ Nhật Bản trên khắp thế giới
Mặc dù không có mức độ ảnh hưởng lớn như quốc kỳ của Mỹ, Anh hoặc Pháp, nhưng đã có hai quốc gia có lá quốc kỳ tương tự như lá cờ Hinomaru Nhật Bản.
Palau
Palau là một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, nằm về phía Đông Nam của Philippines đã sử dụng một hình tròn màu vàng trên nền xanh lam. Hình tròn màu vàng tượng trưng cho mặt trăng còn màu xanh lam tượng trưng cho Thái Bình Dương. Mặc dù lá cờ này và quốc kỳ Nhật Bản rất giống nhau nhưng người thiết kế lá cờ cũng như các quan chức Palau đều khẳng định rằng lá cờ này không có bất kỳ mối liên hệ nào với quốc kỳ của Nhật Bản.
Bangladesh
Tương tự như vậy, quốc kỳ của Bangladesh có một hình tròn màu đỏ nằm lệch tâm trên nền màu xanh lá cây. Ban đầu, hình tròn màu đỏ có một đường viền màu vàng bao quanh nhưng sau này đã bị xoá đi vào năm 1972. Màu xanh lá cây tượng trưng cho sự tươi tốt của cây xanh ở trên đất nước này và màu đỏ mang ý nghĩa biểu tượng cho máu của người Bengalis trong cuộc chiến giải phóng dân tộc. Một lần nữa, lá cờ này cũng được khẳng định là không có mối liên hệ chính thức nào với quốc kỳ Nhật Bản mặc dù có điểm tương đồng khá rõ ràng.
Một số lá cờ khác trong nước Nhật
Sức mạnh của các lá cờ của Nhật Bản không chỉ dừng lại ở lá quốc kỳ. Các lá cờ của các tỉnh thành cũng mang tính biểu tượng, trông rất nổi bật và có tính thẩm mỹ cao. Rất nhiều lá cờ địa phương là biểu tượng của các “cát cứ phong kiến” ngày trước của Nhật Bản nên thường là những họa tiết truyền thống được sử dụng trong các huy hiệu, gia huy của Nhật Bản và thường là những biểu tượng về đồ vật hay một điều gì đó quan trọng. Dưới đây là năm lá cờ hiệu đáng chú ý nhất và được đánh giá là đẹp nhất ngày nay.
Tokyo
Tokyo có hai lá cờ chính thức, tuy nhiên, lá cờ này phổ biến hơn. Biểu tượng màu xanh lá cây ở chính giữa là cờ vừa tượng trưng cho cây bạch quả vừa là chữ “T” trong từ Tokyo đã được cách điệu.
Osaka
Cờ hiệu của Osaka có một huy hiệu tượng trưng cho “quả bầu”, quả bầu dài cũng là biểu tượng của Tướng quân Toyotomi Hideyoshi (Tướng quân nắm quyền điều hành Nhật Bản vào cuối những năm 1500 và là một nhân vật lịch sử nổi tiếng). Hình nền màu xanh lam tượng trưng cho nhiều thứ như biển, trời và những con sông chảy qua tỉnh.
Okinawa
Cờ hiệu của Okinama cũng giống như quốc kỳ Nhật Bản, được thiết kế rất đơn giản nhưng lại có ảnh hưởng mạnh mẽ. Lá cờ chỉ đơn giản là lá quốc kỳ Nhật Bản và có chữ “O” đại diện cho Okinawa nằm ở chính giữa vòng tròn màu đỏ của quốc kỳ.
Fukuoka
Biểu tưởng trung tâm lá cờ hiệu của Fukuoka tượng trưng cho hai điều. Một mặt, nó là chữ hiragana ふ く (fuku) được cách điệu, chính là hai âm tiết đầu của tên tỉnh Fukuoka. Mặt khác, biểu tượng này còn tượng trưng cho hoa mận, loài hoa của tỉnh.
Shizuoka
Chúng ta có thể dễ dàng thấy tỉnh Shizuoka đặt hình ảnh núi Phú Sĩ ở chính giữa lá cờ. Màu nền xanh lam tượng trưng cho cả bầu trời và cả Thái Bình Dương, còn màu vàng cam tượng trưng cho ánh sáng mặt trời và niềm đam mê.
Kết luận
Tất nhiên, lá cờ tại các tỉnh kể trên và lá cờ Hinomaru không phải là những lá cờ duy nhất trên đất nước Nhật Bản. Vì người Nhật vốn ưa thích những thiết kế đơn giản, trong nước Nhật thì các lá cờ của các thành phố, địa phương, trường học hay hiệp hội đều vô cùng độc đáo và bắt mắt. Nếu bạn thích thiết kế của lá cờ Hinomaru, có lẽ bạn nên thử khám phá thêm hàng trăm lá cờ khác nữa cũng được treo tại Nhật Bản và biết đâu bạn sẽ tìm thấy những lá cờ khiến bạn vô cùng thích thú thì sao.